GỢI Ý CHO HÀNH TRÌNH DU XUÂN BA MIỀN TẾT QUÝ MÃO 2023
- 688
- 0
Các hoạt động, chương trình lễ hội cho Tết Quý Mão 2023 đã được khởi động ở hầu hết các tỉnh thành trên khắp cả nước. Đây là dịp để người dân địa phương cũng như khách du lịch có thể hòa mình vào không khí năm mới, khám phá những nét đẹp trong văn hóa Tết cổ truyền ở từng vùng miền.
Hà Nội
Không khí xuân đang tràn ngập khắp đất nước, đến Hà Nội vào những ngày này, du khách có thể tham gia chuỗi hoạt động văn hóa “Tết Việt – Tết Phố 2023” tại Phố cổ Hà Nội được diễn ra từ ngày 8/1 đến hết ngày 28/1, riêng hoạt động tại không gian Bích họa phố Phùng Hưng diễn ra đến hết ngày 20/1. Đến đây mọi người sẽ được thưởng thức không khí những ngày tết cổ truyền xưa, tham gia các nghi lễ được phỏng dựng như đoàn rước dâng lễ cửa Đình, Lễ Cáo yết Thành Hoàng và cúng Tổ nghề, Lễ dựng cây Nêu… Cụ thể như:
- Tại Đình Kim Ngân (số 42 - 44 Hàng Bạc) triển lãm không gian Tết, giới thiệu con giáp của năm Quý Mão, dựng cây Nêu, ông đồ viết thư pháp, giới thiệu các dòng tranh dân gian Hàng Trống, Kim Hoàng, Đông Hồ…
- Tại Nhà di sản (số 87 Mã Mây), du khách có thể thưởng lãm không gian sinh hoạt, đón Tết của một gia đình Hà Nội xưa, với các hoạt động gói bánh chưng; khâu chuẩn bị cho ngày lễ cúng ông Công, ông Táo và ngày Tất niên; giới thiệu nghệ thuật gọt, tỉa và chơi hoa Thủy Tiên…
- Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật, 22 Hàng Buồm, phường Hàng Buồm sẽ diễn ra hoạt động trang trí không gian, giới thiệu các sản phẩm trưng bày chủ đề “Từ di sản tới đương đại” và tổ chức các hoạt động giao lưu âm nhạc truyền thống.
- Không gian Bích họa phố Phùng Hưng bắt đầu từ ngày 6.1 đến 20.1. Đây là dịp nghệ nhân và thợ thủ công của các làng nghề Việt Nam sẽ giới thiệu các sản phẩm dân gian truyền thống như tranh dân gian, thư pháp, gốm sứ, mây tre đan, đồ chơi tò he, các sản phẩm mặt hàng phục vụ ngày Tết và trình diễn giao lưu một số các loại hình âm nhạc truyền thống vùng miền gồm hát Xẩm, múa xòe Thái, đờn ca tài tử….
Huế
Huế vốn đã nổi tiếng với nhiều lễ hội, những nét văn hóa rất riêng, cho nên những ngày Tết đến xuân về càng có nhiều hoạt động thú vị và đáng nhớ diễn ra, thu hút đông đảo du khách gần xa ghé thăm.
- Ngày 10.1 Lễ húy kỵ vua Gia Long tại Thiên Thọ lăng (lăng vua Gia Long); Thuyết trình giới thiệu về vua Hàm Nghi do bà Amandi Dabat - Tiến sĩ lịch sử nghệ thuật, hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi trình bày; Khai mạc không gian "Vua Hàm Nghi, cuộc đời và nghệ thuật" tại nhà Tế Tửu, Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế…
- Ngày 14.1 là lễ dựng cây nêu tại Triệu Miếu và Thế Miếu trong Đại Nội Huế. Cùng ngày diễn ra chương trình Hương xưa bánh Tết tại trục đường 23 Tháng Tám khu vực cửa Quảng Đức. Cũng tại đây, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế sẽ tổ chức lễ Dâng tiến hương xuân vào ngày 16.1.
- Trong bốn ngày từ 14.1 đến 17.1du khách đến chương trình "Tết Huế" diễn ra tại Quảng trường Ngọ Môn (khu vực tiếp giáp cửa Quảng Đức), đường 23 Tháng Tám và Lê Huân, để khám phá văn hóa tết cổ truyền của người dân cố đô.
- Từ ngày 15.1 đến 27.1 sẽ diễn ra Hội Xuân 2023 trên bờ Nam sông Hương. Bên cạnh đó là chợ bán hoa Tết từ ngày 11.1 đến 21.1 tại công viên Phú Xuân (đoạn từ Nghinh Lương Đình đến cầu Dã Viên).
- Ngày 21.1 (30 tháng Chạp), chương trình văn nghệ đón Giao thừa, bắn pháo hoa tầm thấp sẽ diễn ra tại Ngọ Môn - Kỳ Đài lúc 21h30; chương trình nghệ thuật Xuân quê hương, bắn pháo hoa tầm cao tại Kỳ Đài lúc 22h30.
- Trong các ngày 22-24.1 (từ mùng 1 đến mùng 3 Tết), du khách có thể tham gia nhiều hoạt động vui Tết tại khu vực Đại Nội. Dịp này, khu di sản Huế cũng mở cửa miễn phí.
- Ngày 28.1 (mùng 7 Tết) là lễ hạ nêu tại Triệu Miếu và Thế Miếu (Đại Nội). Sau ngày 31.1 (mùng 10 Tết) diễn ra lễ Tế Đàn Nam Giao và lễ Tết trồng cây (trồng các loại cây gỗ quý).
Đà Nẵng
Tại thành phố du lịch Đà Nẵng, nhiều hoạt động xuyên suốt trong dịp đầu năm mới giúp phong phú thêm chuyến hành trình của du khách tại đây.
- Xuyên suốt tháng 1, Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức nhiều hoạt động với chủ đề Trẩy hội đầu Xuân, đem lại những trải nghiệm Tết cổ truyền đặc sắc.
- Tối 14.1, tại Công viên bờ Đông cầu Rồng diễn ra chương trình nghệ thuật Mừng Đảng đón Xuân Quý Mão 2023.
- Ngày 15.1, huyện Hòa Vang tổ chức Lễ hội Tết Việt Quý Mão 2023, với hơn 100 gian hàng và các hoạt động thú vị. Đến với lễ hội du khách có thể khám phá không gian Tết Việt, triển lãm tranh ảnh nghệ thuật, viết thư pháp; vui chơi giải trí; ẩm thực… Bên cạnh đó là hội thi nấu bánh chưng, bánh tét, hội hoa xuân, phố đêm Túy Loan. Những mô hình không gian Tết Việt sẽ được trưng bày cho khách tham quan, chụp hình lưu niệm… đến hết ngày 27.1 (mùng 6 Tết).
- Hoạt động bắn pháo hoa dịp Tết Nguyên đán 2023 sẽ diễn ra vào ngày 22.1, tại 3 địa điểm là trên cầu Nguyễn Văn Trỗi, trước trung tâm hành chính quận Liên Chiểu và khu vực trung tâm hành chính huyện Hòa Vang.
- Tối 28-1, chương trình nghệ thuật “Âm nhạc đường phố” sẽ diễn ra tại khu vực cảnh quan công viên phía Bắc bờ Đông cầu Rồng, với màn trình diễn nhạc cụ dân tộc, saxophone, guitar, hòa tấu flamenco, nhạc pop, rock, nhảy hiện đại…
TP Hồ Chí Minh
Từ nay đến tết Nguyên Đán, du khách có rất nhiều lựa chọn trong hành trình du xuân của mình khi đến với Tp Hồ Chí Minh. Đầu tiên phải kể đến là 58 hành trình trong chương trình mỗi quận huyện một sản phẩm của TP HCM như Theo dấu chân biệt động Sài Gòn; Hành trình theo dấu chân Bác; Biệt động Sài Gòn - Đặc công rừng Sác (Cần Giờ); Sài Gòn - Di sản trăm năm; Huyền thoại một dòng kênh…
- Từ 22 đến 29.1 (từ mùng 1 đến mùng 8 Tết), Công viên Văn hóa Đầm Sen tổ chức “Tết Đầm Sen - Sắc màu cảm xúc”, “Vui Đầm Sen thả ga - Vi vu Thái cực đã”. Đặc biệt, công viên không tăng giá vé dịp Tết Nguyên đán.
- Từ nay đến 28 tháng Chạp, Bảo tàng Áo dài trang trí cảnh Tết truyền thống ở làng quê Việt Nam và phục vụ nhu cầu thuê áo dài xuân chụp ảnh cho khách tham quan. Giá vé giảm từ 5% cho đoàn từ 10 khách trở lên. Đặc biệt có xổ số may mắn cho khách tham quan từ mùng 4 đến mùng 8 Tết.
Tuần lễ Du lịch năm 2022 sẽ diễn ra với chương trình khuyến mại, ưu đãi hơn 30 khách sạn, hơn 60 nhà hàng, quán ăn, điểm mua sắm đăng ký.
Theo Báo Lao Động
Nguồn: Hoteljob